Tải trình duyệt Firefox tại dây: http://vi.www.mozilla.com/vi/ để đọc trang này không bị lỗi. Mọi hình ảnh, bài viết về lớp các bạn gởi về địa chỉ caohoc17vinh@gmail.com để được cập nhật.

TRÌNH DIỄN ẢNH

Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2009

VỀ THẦY LÊ QUỐC HÁN

Người "leo lên đỉnh" toán & thơ

Phó Giáo sư - tiến sĩ toán học Lê Quốc Hán.
(LĐ) - Giới sinh viên khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Vinh khi nhắc đến Phó Giáo sư - tiến sĩ toán học Lê Quốc Hán, không ai không khâm phục về tài năng sáng tạo và nhiệt huyết với nghề của anh.

Thầy giáo dạy toán đầy kinh nghiệm ấy lại là một nhà thơ.
Toán giỏi, văn hay từ thuở nhỏ

Lê Quốc Hán cầm tinh con trâu, bạn bè thường đùa anh là "con trâu vàng", anh hóm hỉnh nói: "Tôi chỉ con trâu đen" và mơ ước khoẻ như trâu đen bóng mượt để dẻo sức cày dai sức kéo. Anh luôn luôn chạy đua với thời gian, chậm rãi thầm lặng như con trâu trên "cánh đồng chữ" và bây giờ ngoảnh lại thấy giật mình khi mái tóc đen bắt đầu ngả bạc, tờ lịch trên tường mách anh tuổi sáu mươi.


Lê Quốc Hán vốn gốc làng Xa Lang (xã Sơn Tân, huyện Hương Sơn), nhưng sinh trưởng ở Kỳ Châu, Kỳ Anh. Vùng đất đầy nắng lửa, mưa chan đã nuôi dưỡng một tài năng toán học, một hồn thơ trong trẻo tinh khôi.


Lê Quốc Hán giống như bạn bè cùng trang lứa thuở thiếu thời, đều xuất thân trong hoàn cảnh gia đình nằm "dưới đáy nghèo", chỉ khác một điều là năng khiếu về toán bộc lộ khá sớm. Mới cắp sách học đánh vần vài tháng lớp vỡ lòng trong thôn, Hán đã thuộc hết bản cửu chương. Những bài toán cô ra làm tại lớp, Hán xung phong lên bảng biểu diễn nhanh như xiếc trước ánh mắt thán phục của các cậu học trò "nhí". Trong lúc nhiều người phải dùng que tính thì Lê Quốc Hán đã vượt qua "ô cửa" mò mẫm này.


Hồi ấy, giấy hiếm, phấn viết lại càng hiếm, muốn làm một bài toán khó hoặc hướng dẫn lại cho bạn mình hiểu, có lúc Hán phải dùng than, dùng đất thó, dùng gạch vỡ để viết lên tường nhà, cánh cửa hoặc sân kho láng nền ximăng hợp tác xã. Viết xong thì lau sạch và rồi lại viết.


Anh tâm sự: "Hồi học cấp 1 phổ thông (bậc tiểu học) vẫn được thầy rèn mạnh nhất về môn tập đọc vì phát âm chưa chuẩn, tính lại hay nhút nhát. Chữ viết nhỏ nhiều lúc thiếu nét, nên các môn tập đọc, tập viết cố gắng lắm cũng chỉ đạt điểm trung bình. Riêng môn tập làm văn tả cảnh hay tường thuật thể loại gì cũng được lĩnh điểm 5 (điểm 10 bậc)".


Tưởng Lê Quốc Hán sẽ trở thành một hiện tượng học "lệch", nhưng bước sang học cấp 2 (cấp trung học phổ thông cơ sở), Hán vẫn ấp ủ niềm mơ ước mình sẽ học giỏi văn. Duyên may thời ấy đã đến với anh, khi Hán được học thầy giáo Phan Công Thi - một giáo viên trẻ yêu thương học sinh hết lòng.


Giọng thầy Thi trầm ấm, mỗi lần thầy lên lớp giảng bài, cả lớp im phăng phắc, trái tim non trào dâng cảm xúc tình người, tình quê, hồn dân tộc trong những áng thơ văn bất hủ. Riêng cậu học trò Lê Quốc Hán nhiều bữa xuýt xoa: "Tiếc quá... bài thầy giảng hay thế mà trống đánh hết giờ".


Thầy Thi vẫn phát hiện được Hán có khả năng giỏi môn văn - nếu biết kèm cặp bồi dưỡng. Thầy Thi đã tìm cách giúp Hán. Thầy khuyên Hán muốn văn giỏi, trước hết phải có thói quen đặt câu và luyện chữ. Văn hay, chữ tốt - lời cổ nhân đã dạy như thế. Một trong những yếu tố cơ bản của học sinh giỏi văn là phải ham đọc sách hay và biết tích luỹ kiến thức từ sách. Thầy hướng dẫn cụ thể cho Hán những cuốn sách cần đọc, những tài liệu cần tham khảo.


Càng đọc sách, Hán cảm thấy như mình có thêm bạn tâm giao. Mượn được sách, Hán đọc quên cả ăn, có bữa hàng xóm đã đỏ đèn, Hán mới lọ mọ từ thư viện thị trấn về nhà. Mẹ tìm con không thấy bực quá, đánh cho một trận đòn đau. Hán còn giấu kín những đồng tiền mẹ cho ăn quà sáng để mua sách đọc.


Được dung nạp kiến thức từ sách, được thẩm thấu kiến thức bài giảng của thầy Thi, Lê Quốc Hán từ trung bình về môn văn đã vươn lên giỏi văn thực sự. Ba năm học cấp 2, nhiều bài văn của Lê Quốc Hán làm đã được thầy giáo Phan Công Thi cho điểm 8 và đưa làm văn mẫu đọc cho cả lớp nghe.


Riêng môn toán, Hán luôn đạt điểm 9, điểm 10 và trở thành học sinh giỏi toàn diện của nhà trường. Năm lớp 6, anh đã giành giải nhất kỳ thi học sinh giỏi văn của tỉnh Hà Tĩnh; năm lớp 7, anh đoạt giải khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi toán toàn miền Bắc.

Những rào cản không nhụt chí



Niềm say mê trong học tập cùng với sự thông minh trời phú đã tạo cho Lê Quốc Hán có sức sáng tạo khác thường. Càng cầm được chìa khoá vạn năng của sách, Hán càng phát triển được tố chất. Hán không chỉ thích "Ruồi Trâu", thuộc lòng "Truyện Kiều" và "Chinh phụ ngâm", Lê Quốc Hán còn là cộng tác viên tích cực Báo Toán học và Tuổi trẻ.


Vào thời điểm 1967-1973, trên tờ báo này thường xuyên xuất hiện hai bạn trẻ có lời giải hay là Lê Quốc Hán và Lê Thống Nhất. Anh học giỏi, nhưng lại ngoan, chưa bao giờ Hán cãi lại thầy - cô và bạn bè. Bố mẹ cũng hiền lành, chân chất như củ khoai, củ sắn vậy, mà khi anh càng nổi tiếng thì duyên phận cũng "ba chìm, bảy nổi".


Đến bây giờ anh vẫn nhớ như in những "kỷ niệm buồn" của mình. Lê Quốc Hán kể: Đầu lớp 8 thi vào lớp chuyên toán tỉnh Hà Tĩnh đạt điểm cao nhất 15,5/20 và cuối năm ấy thi vào lớp chuyên toán Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vượt điểm tối đa (20,5/20). Nhưng oái oăm thay, khi cả hai trường đều có giấy nhập học thì anh chẳng khác gì chiếc xe ôtô bị "kẹt nhíp".


Anh không cắt được giấy tờ hộ khẩu, bố anh lủi thủi lên uỷ ban nhân dân xã xin thì được họ đáp lại bằng cái nhìn lạnh lùng vô cảm và lời giải thích: Lý lịch không rõ ràng, nên địa phương phải gác lại.


Không vào được năng khiếu, bố mẹ anh mặc dầu có hơi buồn, nhưng Lê Quốc Hán vẫn hồn nhiên vui vẻ tiếp tục học Trường phổ thông cấp 3 huyện Kỳ Anh. Ba năm học cấp ba, các thầy giáo chủ nhiệm và thầy giáo bộ môn đều thán phục năng lực học của Lê Quốc Hán, bởi môn nào Hán cũng đạt điểm cao và được công nhận học sinh tiên tiến xuất sắc của trường.


Nhưng một sự trớ trêu không thể tin được dù đó là sự thật: Năm học lớp 10, Lê Quốc Hán được dự thi học sinh giỏi tỉnh Hà Tĩnh hai môn văn và toán. Anh vẫn hy vọng giành giải nhất hoặc giải nhì cả hai môn này, nhưng chính quyền địa phương lại gửi đơn kiện lên Ty Giáo dục Hà Tĩnh "dựng khống" gia đình anh đủ chuyện, buộc hội đồng thi phải gác lại không chấm bài thi của anh.


Tốt nghiệp phổ thông, một học sinh tài năng như Lê Quốc Hán lại không vào nổi cổng trường đại học, bởi anh không vượt được "bức tường lửa" của chính quyền địa phương lúc đó. Do sự đố kỵ hẹp hòi và bảo lưu quan điểm anh là "con cháu địa chủ, cường hào".


Vào tháng 12.1968, Lê Quốc Hán có giấy gọi nhập ngũ, nhưng vào đơn vị mới hơn 1 tháng, anh phải quay về nhà vì thuộc diện thấp thước, nhẹ cân (nặng 39kg). Cảnh nhà nghèo túng, thiếu ăn thường xuyên, nhưng vừa làm ruộng, Lê Quốc Hán vừa tranh thủ tự học chương trình toán đại học năm thứ nhất (theo hệ sư phạm), vừa đọc tiếp các tác phẩm trứ danh của nước ngoài và văn học cổ điển trong nước.


Trong lúc này, Hợp tác xã nông nghiệp Liên Châu (Kỳ Châu) biết Hán giỏi toán, nên điều anh lên làm kế toán. Mặc dầu Hán chưa được tập huấn một ngày về nghiệp vụ này, nhưng nhờ thông minh nên chỉ một thời gian ngắn, anh đã tạo được uy tín lớn.


Năm 1968-1969, do tình hình khủng hoảng thiếu giáo viên ở các trường học cơ sở, buộc Ty Giáo dục Hà Tĩnh phải xin Bộ Giáo dục mở 2 lớp trung cấp sư phạm 10+1. Anh tha thiết được vào học "lớp cấp tốc" này bởi cứ cày ruộng mãi, thời gian sẽ phí đi rất nhiều. Khó khăn chật vật lắm, lần này họ mới làm thủ tục "cắt hộ khẩu" để Lê Quốc Hán đi.


Sau khi tốt nghiệp khoa Toán - Trường Sư phạm 10+1, Lê Quốc Hán trở về dạy tại một trường phổ thông cấp II trong huyện Kỳ Anh. Từ một học sinh giỏi nổi tiếng và khi bước vào nghiệp cầm phấn, Lê Quốc Hán lại trở thành một giáo viên dạy giỏi của tỉnh Hà Tĩnh.


Tháng 10.1974, Lê Quốc Hán được Báo Toán học và Tuổi trẻ mời đi dự lễ kỷ niệm 10 năm thành lập báo. Anh được gặp Giáo sư Lê Văn Thiêm, qua trò chuyện, giáo sư càng thấu hiểu thêm những rào cản vô lý từ những cán bộ ấu trĩ của quê anh.


Thế rồi, lá thư tay đầy trách nhiệm "đề nghị tỉnh quan tâm giúp đỡ để học tiếp chương trình đại học" của vị Viện trưởng Viện Toán học đã đến với ông Nguyễn Tiến Chương - Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh.


Ông Chương lấy làm ngạc nhiên, bởi ông cứ đinh ninh Lê Quốc Hán đã tốt nghiệp đại học lâu rồi. Ông Chương xuống trực tiếp làm việc với huyện Kỳ Anh và xã Kỳ Châu, lúc này những oan khuất của gia đình anh mới được giải mã. Chính bố đẻ của anh không tham gia "hoạt động cho địch" như tin đồn thất thiệt, mà lại là cán bộ kháng chiến chống Pháp cũ.


Tháng 12 năm 1976, Lê Quốc Hán cảm thấy hạnh phúc nhất đời khi được bước vào khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Vinh. Kể từ đây, sự nghiệp toán học của anh bắt đầu thăng hoa.


Bốn năm sinh viên, anh luôn được công nhận sinh viên ưu tú, thi tốt nghiệp đạt điểm cao nhất trường, nên anh được nhà trường chọn cho học tiếp bậc cao học, rồi ở lại làm cán bộ giảng dạy của trường. Năm này sang tháng khác, anh vùi đầu vào sách vở để đi xa hơn nữa trên con đường xán lạn của toán học.


Do làm việc trí óc quá căng thẳng, anh đã ốm một trận thập tử nhất sinh. Sau đó suốt 6 tháng ròng rã nằm xuống giường ngủ, anh không tài nào chợp mắt được. Căn bệnh lạ của triệu chứng mất ngủ buộc anh phải về quê sống ẩn dật, tĩnh lặng, rồi dùng thuốc nam theo sách Hải Thượng Lãn Ông chữa bệnh. May thay trời trả lại cho anh giấc ngủ ngon.


Lúc này không hiểu sao Lê Quốc Hán rất mê đắm thơ. Anh bảo: "Thơ đến với mình như gặp lại người bạn cũ, dĩ nhiên khi làm thơ, tôi không nghĩ đến toán và khi nghiên cứu toán không nghĩ đến thơ".


Bây giờ, Lê Quốc Hán đã bước lên đỉnh cao mới của hai sự thành đạt: Tiến sĩ toán học và một nhà thơ. Về nghề hiện nay là Tổ trưởng bộ môn đại số và Chủ nhiệm chuyên ngành đại số - lý thuyết số (Trường Đại học Sư phạm Vinh). Anh được phong tặng hàm Phó Giáo sư toán học năm 2003 và danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2008.


Lê Quốc Hán vừa là hội viên Hội Văn nghệ Nghệ An, vừa là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Khi dòng chảy của thị trường ào ạt, không ít người đã hờ hững với thơ, nhưng ông tiến sĩ này lại chiều chuộng nàng thơ hết mực. Anh không chỉ làm thơ đều đặn gửi bài cho các toà soạn, mà còn là một cây bút bình thơ khá sắc sảo. Lê Quốc Hán đã nhận được nhiều giải thưởng thơ như giải Báo Tài hoa trẻ, giải thơ Tầm nhìn thế kỷ (Báo Tiền Phong), giải thơ Hồ Xuân Hương (Báo Nghệ An).

Phan Thế Cải
(Lao Động số 265 Ngày 21/11/2009)


'Mạc Khải' - niềm vui thầm lặng của Lê Quốc Hán
Đọc "Mạc Khải", thơ Lê Quốc Hán, NXB Hội nhà văn 2004
Tôi biết Lê Quốc Hán từ ngày anh còn là một cậu học sinh trung học. Cậu học sinh có dáng người nhỏ nhắn và ánh mắt nhìn hơi xa ngái, hơi rụt rè nhưng không giấu được vẻ thông minh, bặt thiệp.
Ngay từ những năm học cuối cấp phổ thông anh đã có những bài giải toán đăng trên tạp chí Toán học và Tuổi trẻ và cũng đáng ngạc nhiên hơn khi cậu học sinh ở một làng quê heo hút này đồng thời cũng mang về cho Trường THPT Kỳ Anh những giải thưởng Học sinh giỏi văn của tỉnh.
Con đường từ nhà đến trường gần hai mươi cây số, chủ nhật nào cậu cũng tìm về để học thêm Pháp văn với người cha già vốn là một công chức lưu dung cũ. Dưới sự hướng dẫn của cụ, cậu đã mò mẫm làm quen với các nhà thơ lãng mạn Pháp Muyxê, Vinhi, Lamáctin [1] từ rất sớm. Cái máu văn chương có lẽ đựợc nhen nhóm từ đấy. Tôi còn nhớ lần ấy khi tiễn chân chúng tôi ra về, ông cụ còn đọc và dịch cho nghe một câu nói của nhà toán học Pascal: "Trong vũ trụ, con người cũng chỉ là một cây sậy nhỏ nhoi, nhưng đấy là một cây sậy biết suy nghĩ…". Đó là những năm chiến tranh ác liệt, nhất là vùng chân Đèo Ngang, không ngày nào không có tiếng bom rơi, đạn rú, pháo biển pháo bầy cấp tập. Ấy thế mà lứa thanh niên vẫn miệt mài học tập say mê văn chương để mấy mươi năm sau đóng góp cho Hội Nhà văn VN hai cây bút một thơ, một văn. Đó là Lê Quốc Hán và Dương Kỳ Anh.
Cái sự học của Lê Quốc Hán đầy cam go, trước khi về Đại học Vinh làm trợ giảng rồi bảo vệ thành công học vị PTS và chẳng bao lâu nhận học hàm PGS, anh từng cày ruộng, đi làm gia sư, từng theo học ngành sư pham, về dạy cấp hai một trường làng nhiều năm. Lên thác xuống ghềnh nhưng lòng say mê thơ ca theo tháng ngày không giảm, chỉ tăng lên mà thôi. Tập thơ đầu tay Lời khấn nguyênBến vô cùng 1999. Hai tập thơ được bạn đọc yêu mến vì mang đến cho người đọc một phong cách mới mà như lời giới thiệu trên Văn Nghệ Trẻ: “Có cái gì hư ảo cổ kính như Đường Thi nhưng cũng chân quê như ca dao”. xuất bản 1996, tiếp theo là
"Mạc Khải" là tập thơ thứ ba của anh. Sắc thái “tâm linh”, “mùi Đạo” đã toát lên từ cái tên tập thơ. "Mạc Khải" là lời tỏ bày, là niềm vui thầm lặng của một con người, của nhà thơ trước cõi đời và trước Đấng Tối Cao! Hơn nửa thế kỷ có mặt trong cõi đời nhà thơ như thấy mình luôn mang nợ. Tâm tư này không mới nhưng thật cảm động khi được tác giả gửi gắm, hình tượng hoá trong hình ảnh “con trâu”:
"Trâu ơi!Trâu ơi! Trâu ơi!
Có phải cầm tinh mày
nên tao cũng suốt đời kéo cày trả nợ
Nợ cuộc sống, nợ văn chương, nợ quê hương xứ sở
dám đâu mong trả hết ở kiếp này!" (Ký ức)
Chính bởi ba mối nợ này nên anh không cầm lòng đặng trước nỗi đau của người dân quê:
"…Tháng mười dai dẳng
Trong nước lũ máu người đục trắng
…Tháng mười dai dẳng
Lá rụng đỏ tóc học trò thi hỏng
đang nguyện cầu trước gió heo may…" (Tháng mười)
Và cũng không thể kìm nổi tiếng reo khi cuộc đời mới đang đâm chồi nảy nụ, dẫu chỉ một màu nắng thu, một đoá phù dung hay một chiếc cầu mới bắc qua sông quê sau ngày hoạn nạn.
Cũng như hai tập trước, thơ Lê Quốc Hán nghiêng về phía tâm linh hơn ngoại cảnh. Hình tượng thơ thực ảo lẫn lộn. Ta hay gặp những hình ảnh thiên thần, quỷ sứ, những ngôn từ linh hồn, vĩnh hằng, phù du, sáng thế, kiếp người, chúng sinh, phép lạ… Không phải không có lý khi có nhà phê bình cho rằng: "…Thấm nhuần các giáo lý tôn giáo, Lê Quốc Hán nhìn nhận con người và thế giói trong mối tổng hoà chằng chịt của nó để vươn lên cuộc sống đẹp Đời, tốt Đạo…Thơ anh lý giải cuộc đời khá biện chứng nhưng lại đẫm màu sắc tôn giáo về kiếp người, về hạnh phúc, nỗi khổ đau…[2].
Tuy nhiên, “cõi tâm linh” trong thơ anh lại phản quang hình bóng cuộc đời, thế thái nhân tình; thấp thoáng đằng sau niết bàn, thiên đàng, xuyên qua những luân hồi, những kiếp sau là nỗi bồi hồi của một trái tim đang mang nợ cuộc đời, nợ quê hương; ngay cả khi nhà thơ muốn ngược hư vô, tìm về bến ảo thì trái tim cũng không thoát khỏi những thổn thức vì tục lụy. "Người đi tích bạc góp vàng. Tôi về chuốc cảnh thế gian khóc cười!".
Toát lên qua tập thơ, bên cạnh “nỗi đau Đời” là “nỗi thương Quê”. Ngay từ Bến vô cùng, hồn quê vẫn luôn day dứt anh, vương vấn anh:
"Nợ từ thuở mới lọt lòng
Sữa thơm của mẹ, máu hồng của cha
Nợ người một điệu dân ca
Nợ quê hạt gạo phù sa lỡ bồi" (Nợ)
Hình ảnh quê hương với con đường, dòng sông, ngôi trường… trở lại nhiều lần trong thơ anh và lúc nào cũng ngập tràn những cảm xúc:
"Anh trở lại dòng sông thơ dại ấy
nước trong veo nước vẫn chảy ơ hờ
Anh trở lại con đường hoang phế ấy
dấu chân xưa mưa dập xoá tơi bời
Anh trở lại góc trường sơ tán ấy
cỏ lên xanh che kín chỗ ta ngồi… (Hoá kiếp)
Tình quê bảng lảng trong thơ anh, hai chữ “cố hương” mới thiêng liêng làm sao. Cố hương ngân nga trong tiếng chuông chiều, trong tiếng chim gù nơi bãi vắng, trong màu hoa hướng dương vào tiết thu… Ngỡ quên nhưng nào có quên, lúc mơ cũng như lúc tỉnh:
"…Bình bong một tiếng chuông chùa
Gõ vào ký ức khi vừa dừng chân…
…Bãi soi vẳng tiếng chim gù
hướng dương thương nhớ mùa thu quay về..." (Cố hương)
Chẳng được như người xưa nhớ quê “đêm đêm hồn mộng ngược xuôi ”, nhưng tác giả cũng luôn trong mơ:
"Ba phần đời trôi dạt
hồn lạc về cố hương" (Lạc)
Và trên con đường phiêu bạt chỉ nghe một tiếng đàn bầu, hay thoảng một giọng hát buồn nhà thơ cũng nao lòng nhớ nhung về cội nguồn...
"Thấy như hồn Trương Chi bay chập choạng trên đầu,
khao khát nhập vào cung đàn tê buốt" (Dâng)
Không thể không nhắc đến mảng thơ tình yêu của tác giả. Cứ ngỡ nhà toán học may mắn trong trường đời chắc thanh thản trong tình yêu, trong đạo nghĩa gia đình. Nhưng đọc những dòng thơ tình của anh vẫn cảm thấy một nỗi trăn trở của sự luyến tiếc, nỗi nhớ nhung của một kẻ “hưởng hạnh phúc như nắm hờ ngọn gió mà thời gian không lặp lại hai lần” (?)
"…Thôi đành lòng tạm xa nhau
hờn ghen kín miệng, lửa đau nguội dần
…Người cầm lòng nhé tôi đi, trái tim gửi lại phòng khi trở trời" (Trở trời)
Nỗi bẽ bàng của tình yêu nhà thơ tìm cách giải thích trong sự vô cùng của cuộc sống và hoá giải nó bằng niềm an ủi của thi ca. Tình yêu là có được, có mất, có lở có bồi, tình yêu là kỷ niệm, tình yêu là hữu hạn so với thời gian vô thuỷ vô chung:
"…Dòng sông khúc lở khúc bồi
Chiều nhau trọn một kiếp người dễ chi
…Đôi bờ cầu mới bắc qua
người tìm mãi bến trời xa của người
...Ngỡ cầm tay hạnh phúc
thời gian đà cuốn trôi ..
Thơ Lê Quốc Hán là dòng thơ tâm linh, thơ hướng nội, anh giãi bày tâm tư của mình một cách trực tiếp ít nhờ vào ngoại cảnh hay sự kiện. Một không khí hư ảo trùm lên tập thơ, thi thoảng chúng ta lại gặp những phút giây nhà thơ nhắm mắt nhìn xuyên bốn cõi, “ngộ” ra chân lý. Vì tính chất trực tiếp, tính chất suy ngẫm đó nên thơ anh đa phần ngắn gọn, cô đọng. Tiêu đề các bài thơ chỉ có vài từ, nhiều bài chỉ một từ (Đá, Nếu, Hỏi, Men, Hồn, Quẻ, Mọc, Vọng, Dâng, Lạc, Tạ , Cha, Gương…).
Hình tượng thơ nhiều khi đến với người đọc nhờ cái tứ tương phản, đột ngột gợi một phán đoán bất ngờ hơn là sự tỏ bày, hay kể lể ta thường gặp. Những cặp từ ngữ đối chọi: nhắm - mở, xưa - nay, người - ta, ngày - đêm…, những vế thơ, những hình ảnh đăng đối:
… Ban ngày xoay xở sống,sấp ngửa một bàn tay
đêm về nhìn lại bóng,giật mình ngỡ bóng ai
…Cuộc đời sớm rủi chiều may
Bây giờ cát sỏi, mai ngày kim cương
…Ngỡ một ngày đầy nắng
bất ngờ chiều mưa rơi
ngỡ đón vầng trăng sáng
đêm mù giăng kín trời
Ngôn ngữ thơ anh chuẩn mực không xô bồ như một số thi phẩm thời nay, thể thơ đa phần tự do có những bài thơ văn xuôi nhưng cũng không quá phóng túng. Có những bài thơ lục bát rất tân kỳ:
Lá vàng rải nắng sau mưa,
nắng vàng dát áo bào xưa.
Ráng trời
Lâu đài đổ bóng.
Sông trôi
Nghìn thu thu lại trong đôi mắt gầy. (Nét thu)
Người đọc cảm thấy thơ Lê Quốc Hán có nét riêng, nét mới biệt lập khó nhầm lẫn với các tác giả khác có lẽ nhờ cái tình cảm chân thực nhiều khi lóe lên thành những suy nghĩ sâu sắc về Cõi Người, Cõi Đời và đặc biệt là dáng vẻ Tâm linh pha mùi Đạo, mùi Thiền - cái nét phương Đông lãng đãng của nó.
Nói về đường Thơ, đường đời của anh, cố nhà thơ Trinh Đường có lời nhận xét sâu sắc ngay ở tập thơ đầu của anh khi ông cho rằng Lê Quốc Hán "biệt lập một cách viết, như núi Hai Vai quê anh, một vai gánh nhẹ nỗi mình và nỗi đời, một vai gánh nặng Vũ trụ và Tâm linh, một con đường vô tận hướng về Lẽ Huyền Vi mà anh mới đi đoạn đầu". (Báo Văn nghệ số 11,14/3/1998).
Lê Quốc Hán tiếp nhận ở toán học sự minh triết của trí tuệ, còn thơ mang lại cho anh sự chân thành của tình yêu. Với hai nguồn mạch lớn lao đó mong anh trả đươc món nợ lòng với cuộc đời và quê hương.
---
[1] A. Muyxê (1810-1857), A. Lamactin (1790-1869), A.Vinhi(1797-1863) ba nhà thơ trữ tình Pháp thế kỷ 19. ,
[2]
Thái Doãn Hiểu - Khi nhà toán học bắc chiếc cầu thơ - Tạp chí Sông Hương số 136 - 2000.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Các bạn có thể để lại nhận xét hoặc lời nhắn tại đây...